Trung Tâm Xúc Tiến Học Bổng Du Học ALT xin gửi tới các bạn sinh viên bài chia sẻ kinh nghiệm luyện thi đạt 8.0 Ielts sau đây:
“Khoảng thời gian mình thực sự chú tâm vào luyện thi IELTS là khoảng gần 1 tháng. Trong 1 tháng đó vì vừa học trên trường vừa ôn IELTS nên tính ra cũng hơi đuối. Theo mình cái quan trọng nhất là những gì bạn học được trong khoảng thời gian ôn thi nghiêm túc với mục đích duy nhất là đạt điểm cao nên mình xin chia sẻ những gì mình đã làm trong vòng 1 tháng này nhé”, Nguyễn Thị Hồng Vân, sinh viên năm 4 ĐH Kinh Tế TP.HCM với điểm Ielts 8.0 (thi vào tháng 04/2013).
4.1. Reading:
– Theo mình, điều quan trọng nhất là bạn phải có thói quen đọc tiếng Anh từ rất lâu, ngay cả trước khi bạn quyết định luyện thi IELTS. Đọc nhiều sẽ khiến các bạn có vốn từ vựng dồi dào và phong phú. Vocabulary là cực kì quan trọng đối với tất cả các skills của IELTS không ngoại trừ Reading.
– Cách thu thập Vocabulary của mình cũng khá là “thoải mái”: xem phim Mỹ, Anh, xem các clip trên Youtube về mọi lĩnh vực. Thường thì mỗi bộ phim sẽ nói về một lĩnh vực riêng của cuộc sống, do đó sau khi xem xong bộ phim đó, bạn có thể gom được một lượng rất lớn những từ vựng dùng trong giao tiếp hàng ngày lẫn các technical term phức tạp. Clip trên Youtube cũng vậy, các related video được trình bày rất dễ thấy, do đó bạn hoàn toàn có thể theo dõi một lĩnh vực nào đó cho tới lúc bạn chán và chuyển sang một lĩnh vực khác.
– Thường thì khi mình biết được một từ mới và cảm thấy đó là một từ “nên học”, mình không chỉ tra nghĩa và nhớ trong đầu mà còn mở từ điển xem thật kĩ từ đó (cách viết, cách đọc, cách dùng, các dạng động từ-tính từ-danh từ-trạng từ, các ví dụ, các idioms … nói chung là tất cả những gì có liên quan đến từ đó). Do vậy, một từ mới mình hay ghi hết cả một trang vở. Cách này khá mất công, nhưng rất hiệu quả vì nó đem đến cho mình cách hiểu sâu về từ đó và có thể sử dụng nó một cách chính xác nhất, đặc biệt là trong Writing. Mình không dám lười biếng chỉ nhớ trong đầu mà không ghi lại, vì nếu đó là từ lạ ít gặp thì mình sẽ quên rất nhanh dù lúc trước cứ đinh ninh là chắc chắn sẽ không bao giờ quên cả.
– Trong Reading IELTS, mình sợ nhất là phần True-False-Not given, hoặc là Yes-No-Not given. Phần này lúc nào cũng được đánh giá là khó nhất, vì thực sự nhiều lúc mình hiểu từng chữ trong bài nhưng vẫn không biết chọn cái nào. Mình không có chiêu gì cho phần này cả, chỉ cảm thấy là các bạn làm đề nhiều sẽ có được cái “linh cảm” cần thiết, rằng cách đặt câu hỏi như vậy có nghĩa là họ muốn mình trả lời là True/False/Not Given. Đây là kinh nghiệm thật của mình, thời gian đầu mình làm đề sai phần đó rất nhiều; những đề sau này dù cũng có lúc phân vân không biết chọn gì nhưng mình cảm thấy “ngờ ngợ” rằng câu này giống kiểu “Not Given”, thế là mình chọn theo linh cảm. Dần dần mình không sai phần đó nhiều nữa. Trust your gut!
– May mắn là theo mình chỉ có phần T-F-NG là khó trong Reading thôi, còn các phần khác như điền từ, nối đề với đoạn văn, trả lời câu hỏi bằng cụm từ,…. đều dễ hơn và rõ ràng hơn nhiều, một khi đã làm được có nghĩa là chắc chắn bạn làm đúng. Các bạn chỉ cần chú ý thêm phần chính tả, dạng từ và quan trọng nhất là ĐỌC THẬT KĨ HƯỚNG DẪN LÀM BÀI, đừng chủ quan cho rằng mình biết cách làm mà bỏ qua phần này.
4.2. Listening:
– Như mình đã nói ở trên, xem phim và xem clip nhiều cũng giúp bạn luyện nghe rất tốt. Riêng về phần nghe để luyện thi IELTS, mình cũng chỉ nghe những đề trong mấy quyển Cambridge thôi. Lúc luyện nghe các bạn cần tìm nơi thật yên tĩnh, mở tai nghe thật lớn vào, tuyệt đối không nghĩ lung tung nhé, vì bạn chỉ có một lần nghe thôi.
– Lỗi mình thấy thường gặp nhất trong phần nghe IELTS là thiếu s hay dư s. Chỉ cần bạn ghi thiếu hoặc dư một chữ s thôi là coi như mất điểm nguyên từ đó rồi. Do đó, lúc nghe được một từ, các bạn nên bình tĩnh, đừng vội vui mừng ghi ngay từ đó vào và nghĩ rằng “mình nghe được rồi” mà phải nghe thật kĩ cái ending sound người ta phát âm như thế nào. Sau khi đã nghe người ta chuyển sang nói cái khác và chắc chắn là có s hay không có s các bạn mới nên ghi từ đó vào. Còn nếu vẫn còn phân vân thì đương nhiên các bạn phải vận dụng cách hiểu ngữ pháp của mình để ghi vào rồi. Không chỉ riêng danh từ có s hay không có s mà bất cứ từ nào cũng vậy, nếu không nghe được hoặc nghe không rõ thì các bạn phải vận dụng ngữ cảnh, ngữ pháp, hiểu biết của mình,… để đoán nhé. Dù thế nào cũng không được bỏ trống bất cứ chỗ nào.
– Còn một điều nữa, khi đã lỡ bỏ mất một hoặc hai từ, các bạn cố gằng đừng mất tinh thần và suy nghĩ lung tung mà phải tiếp tục tập trung nghe cho kịp với người ta. Chúng ta có thể quay lại chỗ đó và “đoán mò” sau mà.
4.3. Writing:
– Trước khi đi học và bắt đầu luyện thi IELTS mình viết rất tệ, thật sự là như vậy. Nhưng may mắn cho mình là gặp được thầy Mike, một thầy giáo tận tâm và có phong cách viết rất academic, rất đáng học hỏi. Writing IELTS có 2 task.
– Về cách luyện viết của mình thì mình luôn canh giờ lúc viết, dù là lúc mới ôn đi nữa. Mình canh giờ rất rõ ràng, 20 phút cho task 1, 40 phút cho task 2. Vào bài là viết ngay Task 2, canh khoảng còn hơn 20 phút thì kết luận để chuyển sang viết task 1. Các bạn cứ canh giờ ngay từ đâu sẽ khiến mình quen tay, về sau có khi vừa viết xong task 2, nhìn lại đồng hồ sẽ thấy còn đúng 20 phút.
– Sau khi viết xong, các bạn đọc lại thật kĩ từng từ một và sửa lỗi sai, cũng như tìm những từ mà mình đã có thể làm tốt hơn (tức là đáng lẽ mình nên dùng từ này thì hay hơn và academic hơn). Cứ như vậy, các bạn sửa lại bài của mình cho thật hoàn hảo và giữ lại để sau này đọc lại nhé. Thời gian cuối thì mình không luyện viết nguyên bài nữa mà chỉ xem đề và tìm ý thôi.
– Một lưu ý nữa là đối với mình, trong các bài viết IELTS, điều quan trọng nhất là cấu trúc rõ ràng, do đó các bạn nên lập dàn bài ngắn gọn và logic trước khi bắt tay vào viết (chỉ nên dành khoảng 2’ cho phần này).
– Ngoài ra, lúc viết các tasks, sau mỗi đoạn văn, các bạn nên cách ra một dòng rồi mới viết đoạn tiếp. Như vậy bài của mình nhìn sẽ sạch sẽ hơn, ngoài ra cũng tạo cho người chấm cảm giác dễ chịu hơn nữa.
4.4. Speaking:
– Đây là phần mình được thấp điểm nhất. Mình khá thất vọng vì phần thi Speaking IELTS của mình. Có thể kể ra những lỗi sau mình đã mắc phải lúc thi: Undertalk (tức là nói quá ít, chưa hết thời gian task 2 đã ngừng lại), ngập ngừng nhiều, cố gắng tìm từ cho thật academic để nói khiến cho bài nói có vẻ không tự nhiên và khiến mình lặp lại từ khá nhiều. Vì là lần đầu tiên thi nên mình bị khớp khi nói chuyện với Examiner, mặc dù ông ấy có vẻ khá thân thiện.
– Phần này điểm thi mình không cao nên không dám nói nhiều, mình chỉ muốn khuyên các bạn là phải hết sức bình tĩnh, tự tin, và NÓI VỚI TỐC ĐỘ VỪA PHẢI nhé.
Trên đây là kinh nghiệm luyện thi IELTS của mình, hi vọng các bạn rút ra được gì đó hữu ích cho mình. Chúc các bạn thành công và đạt điểm thật cao!
Hàng trăm sinh viên các trường Đại học Ngoại Thương, Kinh Tế, Ngân Hàng, RMIT, Quốc Tế, Bách Khoa, KHTN đã giành được học bổng tại các trường Đại học danh giá trên Thế giới thông qua chương trình xúc tiến học bổng du học ALT Scholarship .